Từ lâu, cơm hến đã trở thành món ăn truyền thống dân dã của người Huế. Trải qua những thăng trầm biến đổi của lịch sử, món cơm hến vẫn giữ được nét đặc trưng riêng chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng ẩm thực xứ Huế cũng như làm phong phú ẩm thực 3 miền Việt Nam. Ngày nay cơm hến không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều thành phố khác. Nhưng lạ thay chỉ khi ăn cơm hến ở Huế mới cảm thấy được hương vị đặc trưng và đúng điệu thật sự. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cơm hến – món ăn đậm đà hương vị xứ Huế qua bài viết này nhé!
Lịch sử nguồn gốc của món cơm xứ Huế
Năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Kéo theo cả một làn sóng người di cư vào Đàng trong để khai hoang lập nghiệp… Và chẳng biết từ đâu mà món cơm hến xuất hiện, cũng đồng hành với lịch sử và lắm gian nan như người dân nghèo cố đô.
Cơm hến đã có lần vào tận cung đình để dâng lên nhà vua… Và hiện nay là món ăn của đại chúng, tuy “vóc dáng” có vẻ đài các hơn, nhưng bản chất vẫn là món ăn đạm bạc. Cơm hến đã đi vào cung cấm và một trăm năm triều Nguyễn rồi cũng qua đi. Nhưng món ăn “quen mà lạ” ấy vẫn còn mãi với nhân gian như quan trạng vinh quy mà không quên gốc gác của mình.
Cơm hến xứ Huế – Nét đặc trưng riêng ẩm thực cố đô
Những người bán cơm kể rằng: Để làm ra món cơm hến đúng nghĩa và ngon thì cần phải dùng cơm nguội để qua đêm. Như rứa mới giữ được cái giòn của rau và hương thơm của các gia vị. Ngẫm lại cũng lạ, người Việt Nam ta đã ăn cơm thì phải ăn cơm nóng. Hình như duy nhất cơm hến phải là cơm nguội. Dường như trong quan niệm của người Huế. Trên đời chẳng có gì đáng bỏ đi nên người Huế chắt chiu đến từng hạt cơm sót lại?
Cơm hến là món ăn dân dã có khắp mọi nơi. Dù ở thôn xóm hay đường quê, đậm đà hương vị. Để có được bát cơm thì rất kỳ công. Hến được xúc dưới sông lên, ngâm lại nước gạo một thời gian, rửa sạch, đem luộc đến lúc vỏ hến rã ra hết. Lấy nước sau khi đã lắng động, dùng rá ( rổ) sàng lọc lấy thịt hến. Thịt hến và nước hến là hai vị chính của món cơm. Cơm dùng với hến thông thường là cơm trắng để nguội. Những phần phụ phải có để làm tăng thêm vẻ thơm ngon của món ăn là: khế chua, rau răm, bạc hà. Bắp chuối thái thật nhỏ, cùng với nước mắm tỏi hành, ớt, tương, tóp mở, ruốc sống, đậu phụng còn nguyên hạt.
Hương vị sâu đậm trong lòng người Huế
Món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế. Mùi thơm ngây ngất của rau, chuối bắp, bạc hà. Vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương… Người ăn cơm đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có. Còn cắn thêm trái ớt tươi, kêu cái “bụp!” rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon.
Một điều đáng lưu ý là: tất cả gia vị, rau hành, hến, cơm đều để nguội. Nhưng nước hến luôn luôn được giữ nóng và sôi nhờ bếp lửa hồng. Làm bát cơm nóng ngon và ấm nồng. Cơm thường được ăn với ớt thật cay mới đúng vị. Là món ăn mộc mạc, bình dị mang đậm chất Huế. Những ai đã từng đến đây chắc hẳn sẽ ấn tượng. Không bao giờ quên với văn hóa ẩm thực rất Huế này.