Mang thai là một trong những khoảng thời gian vất vả đối với người mẹ. Chính vì vậy, những chuyến du lịch trong thời kì này sẽ giúp các mẹ trở nên thư giãn, thay đổi không khí, cân bằng lại tâm trạng. Tuy nhiên, việc đi du lịch trong thời gian này cũng sẽ cần lưu ý rất nhiều để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu bạn đang có dự định đi du lịch khi mang thai thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của chúng tôi nhé. Bài viết sẽ giúp bạn nắm được những kinh nghiệm bổ ích nhất để có thể tận hưởng những chuyến đi du lịch ý nghĩa trong thời kì mang bầu.
Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe ổn định
Việc đi du lịch khi mang bầu chính là một hình thức nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp luyện tập thể lực phù hợp, giúp thai phụ khám phá những địa danh mới và có những phút giây vui vẻ bên người thân. Sau khi sinh, người mẹ sẽ rất khó có thể đi du lịch trong một thời gian dài. Khi đó bạn phải tập trung tất cả thời gian và sức lực để chăm sóc cho em bé. Bởi thế một chuyến đi ý nghĩa và bổ ích là một quyết định đúng đắn của các mẹ bầu.
Hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng cùng con khám phá thế giới, đưa con đi khắp thế gian và cùng con trải nghiệm những điều tuyệt vời. Hãy chắc chắn rằng bạn thật sự muốn một chuyến du lịch đúng nghĩa cùng đứa con tương lai của mình.
Lựa chọn thời điểm thai kỳ lý tưởng nhất
Theo báo cáo của Hiệp hội Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), các trường hợp cấp cứu thai phụ thường xảy ra vào ba tháng đầu thai kỳ. Điều đó có nghĩa là thời gian du lịch tốt nhất rơi vào tuần thứ 14 đến tuần thứ 28.
Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không yêu cầu bạn nộp một số giấy tờ chứng minh tình trạng sức khoẻ. Hãy nói chuyện với bác sĩ riêng về bất kỳ mối quan tâm nào trước chuyến đi. Liên lạc trước với hãng hàng không để tìm hiểu về các chính sách dành cho phụ nữ mang thai.
Lựa chọn phương tiện di chuyển an toàn
Đi máy bay có thể giúp bạn tiết kiệm được thời gian hay đi tàu thủy giúp bạn có nhiều thời gian để ngủ trong hành trình của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong thời kỳ mang thai, phương tiện đi lại tốt nhất là xe ô tô. Bạn có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ cấp cứu, chăm sóc y tế hơn và bạn có thể đỗ lại nghỉ ngơi khi cần thiết.
Bạn nên lựa chọn các hàng ghế gần lối đi trong khi di chuyển. Bạn không chỉ cần phải đứng lên để đi vệ sinh mà còn phải di chuyển để tránh tê chân. Vì vậy, chọn ghế ở cạnh lối đi giúp bạn tự do đứng dậy và di chuyển nếu bạn cần.
Thường xuyên đi tiểu
Thai phụ thường rất dễ mắc tiểu. Vì vậy, hãy chủ động đi vệ sinh bất cứ khi nào bạn có thể. Hãy đi ngay cả khi bạn không quá muốn. Điều này sẽ giúp bạn thoải mái hơn thay vì phải cắn răng chịu đựng khi máy bay đang cất cánh hoặc hạ cánh và yêu cầu hành khách không được sử dụng nhà vệ sinh.
Mang đồ càng nhẹ càng tốt
Tập thể dục ở mức nhẹ đến trung bình có ích trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên nếu tập nặng quá thì cực kỳ có hại. Vì vậy, tránh mang hành lý quá nặng hoặc có các động tác như với tay cao để lấy đồ. Hãy tận dụng các loại quần áo cho nhiều mục đích. Ví dụ dùng áo khoác để làm chăn hoặc gối. Các đồ dùng tiện lợi như dầu gội đầu hoặc kem đánh răng có thể được mua tại bất kỳ cửa hàng nào nên bạn không cần phải mang theo.
Hãy trao đổi với bác sĩ riêng xem bạn được phép nâng vật có khối lượng bao nhiêu trong từng giai đoạn mang thai.
Uống đủ nước và mang theo đồ ăn sạch
Cabin máy bay thường có độ ẩm thấp, khiến hành khách dễ bị mất nước trong các chuyến bay dài. Đối với người bình thường, điều này có thể gây khó chịu nhưng không đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, mất nước có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, táo bón, thậm chí là gia tăng các biến chứng như sanh non.
Hãy luôn mang theo nước để uống bất cứ lúc nào, ngay cả khi bạn không khát. Tương tự, đói bụng có thể khiến bạn mệt mỏi và chóng mặt. Đừng quên mang theo một số món ăn nhẹ để lót dạ trên máy bay.
Nghỉ giải lao
Nhiều thay đổi trong cơ thể có thể gây căng thẳng và gây mất ngủ cho một số phụ nữ. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng bị kiệt sức.
Hãy phân chia thời gian hợp lý trong chuyến đi để bạn có thể nghỉ ngơi. Nếu bạn định lái xe, chỉ nên dành tối đa 5 đến 6 giờ ngồi sau vô lăng mỗi ngày. Và dừng ở nhiều chặng để nghỉ ngơi, chợp mắt và ăn uống.
Lên kế hoạch
Hãy lên kế hoạch trước bằng cách liệt kê các số điện thoại để liên hệ trong tình huống khẩn cấp. Mang kèm bản sao hồ sơ y tế cá nhân và nói chuyện với bác sĩ về các dấu hiệu cảnh báo hoặc những thứ cần chú ý.