Ngày nay, châu Âu là một trong những địa điểm du lịch phổ biến mà rất nhiều bạn trẻ ưa thích. Các quốc gia tại đây có nhiều cảnh vật đẹp và văn hóa riêng biệt nên các chuyến du lịch châu Âu thường sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị nhất. Thay vì đi theo tour của các công ty du lịch, rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đi du lịch châu Âu tự túc để tự do khám phá các thành phố ở đây. Nếu trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết, việc đi du lịch tự túc châu Âu là điều hoàn toàn đơn giản. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn những kinh nghiệm du lịch châu Âu tự túc để giúp bạn có một chuyến đi trọn vẹn nhất.
Lựa chọn bạn đồng hành
Việc đầu tiên cần phải làm khi có ý định đi du lịch châu Âu tự túc là phải tìm được những người bạn đồng hành hợp gu, nếu bạn không muốn đi một mình. Số lượng đủ và đẹp cho một chuyến đi xa như vậy sẽ dao động từ bốn đến sáu người. Đây là con số dễ dàng và thuận tiện cho việc đặt chỗ ở, tàu xe.
Với một hành trình xa và dài, bạn cần lựa chọn kỹ lưỡng người đi cùng. Không thể bắt một người thích khám phá thiên nhiên đi chung với một nhóm toàn tín đồ mua sắm hay ngược lại. Hãy chọn bạn đồng hành dựa trên sở thích, thói quen mỗi khi đi du lịch của họ.
Lên lịch trình các điểm đến cụ thể
Châu Âu có vô số thành phố hấp dẫn, mỗi nơi đều có một nét đặc trưng. Tuy nhiên, bạn đừng tham lam đi thật nhiều chỉ trong một chuyến. Hãy cân nhắc các khu vực làm sao có thể di chuyển nhanh, tiện lợi để tiết kiệm thời gian.
Bạn sẽ phải bay rất nhiều và có ít thời gian tận hưởng nếu chỉ trong một chuyến mà đi cả Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hungary và Hy Lạp vì đó là bốn đầu của châu Âu. Hãy lập một hành trình đi theo khu vực như Pháp – Bỉ – Hà Lan; Đông Âu (Czech – Ba Lan – Hungary), Nam Âu (Italy – Hy Lạp – Croatia). Di chuyển bằng tàu hoặc bus sẽ giúp bạn ngắm được cảnh đẹp trên đường đi.
Tính toán thời gian đi
Châu Âu có khí hậu ôn đới nên bốn mùa rất rõ rệt và đều có những nét đẹp riêng. Tuy nhiên, mùa cao điểm trong tháng 7 và 8 thì khá nóng, đắt và đông. Nếu muốn đi mùa hè, bạn nên xếp lịch lệch một chút vào tháng 6 và sang đầu tháng 7. Mùa thu nên đi vào tháng 10 còn thời gian đẹp nhất của mùa xuân là tháng 4 và 5.
Một số nơi có thời điểm du lịch nổi bật như mùa hè ở Italy, mùa hoa tháng 5 ở Amsterdam (Hà Lan), mùa oải hương tháng 7 ở Provence (Pháp), mùa lễ hội bia ở Đức vào tháng 10 hay mùa đông cổ tích ở Đan Mạch.
Chuẩn bị sổ tiết kiệm
Khi đi du lịch châu Âu tự túc, bạn sẽ cần chứng minh tài chính để xin được visa. Hãy mở một tài khoản nếu chưa có và chuyển hết tiền dự tính cho chuyến đi vào đó. Kèm theo đó là một khoản nữa để dư ra. Thông thường, sổ tiết kiệm từ 5.000 USD trở lên là phù hợp.
Xin visa thị thực
Khâu tưởng khó nhưng lại đơn giản nếu tìm hiểu kỹ. Tại Việt Nam, các nước cấp visa du lịch phổ biến nhất là Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha. Có thêm một số nước khác cũng bắt đầu có visa du lịch cho người Việt. Tuy nhiên, hãy chọn xin visa ở những nước đã chuyển dịch vụ này sang các trung tâm thông tin thị thực. Bạn chỉ cần đăng ký online giờ đến, không phải xếp hàng đông. Phí xin visa châu Âu hơn hai triệu đồng.
Lựa chọn chuyến bay rẻ, phù hợp
Chưa chắc những chuyến bay thẳng với giá vé đắt sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Hãy chọn những chuyến bay có thể transit nhưng thời gian hợp lý giữa hai chuyến. Hiện nay, Turkish Airlines được nhiều du khách yêu thích để bay châu Âu vì giờ bay hợp lý (bay vào đêm, hết 10 tiếng tới Istanbul, sau đó chỉ transit thời gian ngắn đủ để nghỉ ngơi và bay tiếp từ hai đến ba tiếng là tới được các thành phố lớn của châu Âu).
Khi quá cảnh ở Istanbul, bạn có thể xin visa online để chơi ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 72 giờ. Thành phố này là một trong những điểm đến được đánh giá cao nhất thế giới với văn hóa, lịch sử có nhiều nét giao thoa giữa châu Á và châu Âu.
Sử dụng các phần mềm chi tiêu
Có rất nhiều ứng dụng chi tiêu khi đi du lịch dành cho các nhóm. Có thể kể đến như SplitWise sẽ giúp một nhóm bạn ghi lại các khoản chi và tự động chia ra số tiền mỗi người cần phải nộp hoặc được nhận lại. Mỗi người có thể trả một khoản tiền khác nhau và nhập lại con số từ khóa kiểu như “Booking khách sạn”, “Vé máy bay” rồi sau đó SplitWise sẽ tự động chia.
Đặt trước chỗ ở
Hãy tìm hiểu thật kỹ trong hành trình những nơi mình đến thì chỗ nào giá sinh hoạt rẻ, chỗ nào đắt để đặt chỗ ở thích hợp. Với những thành phố du lịch đắt đỏ, bạn nên tìm trên Airbnb hoặc các website về homestay. Còn những nơi ít phổ biến hơn, hãy tìm khách sạn vì giá sẽ không chênh lệch nhiều so với Homestay hay Airbnb. Hơn nữa khách sạn lại thuận tiện hơn về địa điểm và có dịch vụ dọn dẹp phòng hàng ngày.
Mua sẵn sim 3G – 4G để sử dụng
Để tiết kiệm thời gian khi tới sân bay, hãy mua sẵn sim 3G-4G từ nhà và khi sang đến nơi chỉ việc lắp vào sử dụng luôn. Có nhiều loại sim dùng được gần như ở tất cả các nước châu Âu. Giá trung bình dao động từ 700.000 đến 800.000 đồng cho một chiếc sim có dung lượng 13 GB và sử dụng được một tháng.
Lên list nhạc theo sở thích
Với những chuyến đi dài và xa thì âm nhạc là điều rất quan trọng. Hãy dành thời gian chuẩn bị sẵn danh sách những bài hát yêu thích để nghe trên máy bay hoặc trong lúc di chuyển. Với châu Âu, khi đến từng thành phố thì cố gắng chọn Playlist âm nhạc đặc trưng của từng nơi. Cảnh sắc châu Âu khi kết hợp với âm nhạc hay thì sẽ tạo nên những ký ức khó quên.
Chuẩn bị tiền
Không đem quá nhiều tiền mặt và phải cực kỳ cẩn thận tiền bạc khi du lịch tại Châu Âu. Nên mang theo 1 túi bao tử đeo đằng trước bụng để đựng tiền và passport. Hãy giấu túi bao tử dưới lớp áo hoặc áo khoác.
Tiền mặt và thẻ ngân hàng cũng là một trong những thứ bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ để mang theo trong chuyến du lịch. Để đề phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra, bạn nên chuẩn bị một ít tiền mặt.
Số tiền còn lại, bạn hãy để trong thẻ ngân hàng. Việc này vừa an toàn vừa thuận tiện cho bạn trong chuyến đi.
Mua bảo hiểm du lịch châu Âu
Trong nhiều trường hợp, bảo hiểm du lịch là yếu tố tiên quyết để bạn xin được visa của một quốc gia thành công. Để đảm bảo an toàn, cần chọn công ty quản lý bảo hiểm có thương hiệu lớn và uy tín. Đồng thời, phạm vi bảo hiểm cũng phải bao gồm châu Âu thì mới được chấp nhận.
Các quốc gia trong khối Schengen (bao gồm Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển và 22 quốc gia Châu Âu khác) sẽ không phát hành visa nếu du khách không cung cấp được bảo hiểm du lịch Châu Âu.