Kẹo Cu đơ Hà Tĩnh từ lâu đã là món ăn đặc sản khiến bao người mê mẩn. Với món ăn độc đáo này, người Hà Tĩnh có công thức chế biến riêng. Họ sử dụng loại lạc được trồng ngay trên vùng đất cát khô cằn đầy nắng gió. Bởi thế, lạc nhân sử dụng làm kẹo sẽ bùi hơn, thơm hơn so với lạc ở vùng khác. Mật mía sử dụng làm kẹo lạc cũng được các gia đình chuẩn bị vô cùng kỳ công. Nấu mật mía phải vừa đủ độ, nếu non lửa, bánh cu đơ sẽ bị dai. Còn nếu trót nấu quá lửa, kẹo cu đơ sẽ cứng hơn bình thường và mất đi vị ngon vốn có.
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh vừa được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Cu đơ Hà Tĩnh”. Đó là cơ hội để sản phẩm kết tinh giữa các loại nông sản và tình người Hà Tĩnh được chắp cánh bay xa.
Giống như nhiều đặc sản khác của Hà Tĩnh, cu đơ cũng được làm từ chính những sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đó là mật mía, lạc, gừng, gạo, vừng (bánh đa). Và hơn thế nữa là tình người mộc mạc. Ở Hương Sơn – nơi được cho là nguồn gốc của kẹo cu đơ. Nhiều nhà vẫn tự sản xuất các nông sản ấy để nấu kẹo. Với lợi thế ven sông Ngàn Phố, hầu như nhà nào cũng có dăm ba thửa đất để trồng mía, trồng lạc. Đến mùa thu hoạch, họ sẽ kéo mật cất trữ để nấu kẹo. Cái tình được gửi gắm từ lúc chăm bón cây cho đến lúc ngồi quấy mật, đổ kẹo.
Chị Phan Thị Hòa – chủ lò kẹo Trung Hòa ở Sơn Hà (Hương Sơn) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi tự sản xuất nguyên liệu để nấu kẹo. Nay không sản xuất nữa thì tôi lại đặt mua của những hộ trong xã. Với tôi, chẳng thứ lạc nào vượt qua được lạc sen trồng trên bãi sông Ngàn Phố. Và chẳng có loại mật nào ngọt đậm như mật mía Sơn Thọ (Vũ Quang). Khách mua kẹo của tôi có người quen, người lạ. Nhưng ai cũng thích cách lựa chọn gia vị vỏ chanh thay vì dầu chuối của tôi”.
Mỗi lò kẹo lại có bí quyết riêng
Nguyên liệu gần gũi với tập quán sản xuất nông nghiệp và cách nấu khá đơn giản, cu đơ được sản xuất ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, để tạo nên những dấu ấn riêng thì mỗi lò kẹo đều “thủ” cho mình những bí quyết riêng. Những lò kẹo nổi tiếng ở Hương Sơn cũng như ở thành phố đều có những nét độc đáo riêng khiến khách hàng đã ăn là nhớ mãi. Cùng là sự quyện lẫn của mật mía, lạc sen, gừng và bánh đa vừng. Nhưng chỗ thì cho dầu chuối, chỗ chỉ cho một ít vỏ chanh. Cũng là thứ mật mía được kéo che tại gia và lạc sen vỏ thẫm, giòn ngọt. Nhưng kẹo mỗi nhà lại có độ cứng, độ dẻo khác nhau. Và khách hàng, tùy vào khẩu vị của mình sẽ lựa chọn loại phù hợp.
Kẹo cu đơ được ví là đậm đà như tình quê Hà Tĩnh. Dẫu ngọt bùi nhưng vẫn thanh đạm bởi sự kết hợp với bánh đa vừng. Và nhất là thói quen kết hợp với nước chè xanh. Không có gì thích thú bằng việc đến lò kẹo khi người thợ vừa mới phết kẹo lên bánh đa. Ăn những miếng kẹo còn nóng hổi, mật chưa đông cứng vẫn còn đậm mùi mía. Nhưng lạc thì đã giòn rụm. Thoát ra khỏi cái vị tanh của lạc sống. Chiêu thêm ngụm nước chè vừa om thì tưởng như cả đồng quê, bờ bãi, núi non đều nằm gọn trong vị giác.
Đặc sản được nhiều người yêu thích
Cu đơ được ưa chuộng nhất vào mùa đông hoặc những dịp đầu xuân, tết đến. Nhưng không có nghĩa mùa hè là không có người ăn. Kể cũng lạ, dẫu tiết trời nắng nóng đến mấy, vẫn cứ làm người ta không đừng được mà phải cắn thử một miếng. Rồi khi vị dẻo của mật mía quyện lẫn với sự giòn tan, bùi bùi của lạc. Thi thoảng lại gặp một tí xíu gừng cay cay và vỏ chanh thơm lừng thì bao nhiêu nóng nực cũng tan biến hết theo chiếc kẹo.
Được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền là cơ hội để kẹo cu đơ Hà Tĩnh nâng cao vị thế và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu mới cho các hộ sản xuất. Đó chính là đa dạng hóa hình thức sản phẩm và sự linh hoạt trong áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nâng cao chất lượng, duy trì danh tiếng của sản phẩm. Có như thế, kẹo cu đơ Hà Tĩnh mới có thể vươn xa, có mặt ở nhiều thị trường khác và cạnh tranh với những đặc sản của các địa phương khác.