Các địa điểm du lịch Đăk Lăk luôn có một sức hút không hề nhỏ đối với những người thích du lịch bụi, khám phá những điều mới lạ. Những nét đẹp mộc mạc, đơn sơ của nơi đây không chỉ xuất phát từ không gian thiên nhiên núi rừng đại ngàn. Mà còn bởi nét văn hóa truyền thống hiếu khách, con người chân chất, thật thà của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên. Đến với Đăk Lăk, du khách không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Mà nơi đây còn làm say lòng du khách bởi những món dân dã, níu chân người lữ khách phương xa.
Nơi đây có bạt ngàn những rừng cà phê cho ra những loại cà phê thượng hạng; với hương vị đậm đà và thơm ngon. Tuy nhiên, không chỉ có cà phê mà Đăk Lăk còn có nhiều đặc sản khác. Như chóe rượu cần say nồng; ống cơm lam thơm ngát; con gà sa lửa được ướp và nướng rất cầu kỳ công phu. Và đặc biệt không thể không nhắc đến món bún đỏ và gỏi lá hấp dẫn mà không đâu có được.
Lạ mắt, ngon miệng với bún đỏ Buôn Mê Thuột
Bún đỏ là món ăn đặc sản chỉ có ở Buôn Ma Thuột. Nhưng nó cũng chỉ là một món ăn vỉa hè hết sức bình dị. Lang thang khắp thành phố thì thấy hầu như chỗ nào có bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở; là y như rằng có bún đỏ. Nhưng các quán bún đỏ ngon và nổi tiếng chủ yếu tập trung ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.
Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác. Bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Để tạo màu đỏ cho bún, người ta nhúng bún vào một nồi nước dùng. Mà theo “bật mí” của bác chủ hàng bún đỏ được làm từ hạt điều; loại “phẩm nhuộm” thực phẩm tự nhiên hết sức an toàn cho sức khỏe.
Để tạo nên hương vị đặc sắc cho bún đỏ; tạo nên danh tiếng cho bún đỏ thì phải ở cách chế biến và nước dùng của bún. Nước dùng của bún được ninh từ xương với nước cua, tạo nên một vị ngọt thanh mát, đậm đà. Điểm nhấn quan trọng trong nồi nước dùng là gạch cua với thịt ba chỉ xay, hành củ băm nhỏ trộn với hạt tiêu; được nặn thành từng bánh nhỏ nấu chung với nước dùng. Thêm vào đó là trứng cút đã bóc vỏ.
Miếng gạch cua thịt băm, trứng cút cứ được nấu trong nồi. Đến khi làm bún cho khách thì vớt ra cho vào bát cùng nước dùng. Càng nấu, miếng gạch cua, thịt heo càng nhừ, càng đậm vị. Và nước dùng càng ngọt, thơm hơn.
Gỏi lá Đăk Lăk không chỉ lạ mà còn tốt cho sức khỏe
Nhắc đến gỏi lá là nhắc đến Tây Nguyên nói chung cũng như Đăk Lăk nói riêng. Món gỏi lá được ví như là tinh hoa đất trời vùng Tây Nguyên.
Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau. Như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế; húng, thuyền đất. Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá gồm thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang. Với sự hiện diện của hơn 40 loại lá rừng khác nhau, người ta gọi món ăn này là gỏi lá. Song nếu xét về cách thưởng thức thì món ăn này thuộc họ cuốn chấm sẽ chính xác hơn.
Nước chấm được làm từ bỗng rượu. Được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc. Nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát; vừa ngòn ngọt chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.
Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt. Bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.