Khi xem các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc hay Trung Quốc bạn có từng trầm trồ trước vẻ đẹp trang phục của họ không? Những bộ Hanbok Hàn Quốc cầu kỳ, hay những bộ Hán phục đẹp mắt có làm bạn phải ghen tỵ với trang phục nước bạn không? Nếu có thì do bạn chưa biết về những cổ phục của chúng ta, vì chúng cũng đẹp không kém. Với trang sử mấy ngàn năm thì nền văn hóa Việt Nam cũng đậm đà bản sắc không kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Những cổ phục qua các thời kỳ đều mang đậm nét văn hóa Việt. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu với các bạn những trang phục cổ của Việt Nam qua các thời kỳ.
Một số bộ cổ phục làm nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc
Áo đối khâm trong văn hóa Việt Nam thời Lý – Trần
Loại áo này được sử dụng cho các bậc giai nhân thời nhà Lý – Trần. Có thể bạn sẽ thấy quen thuộc hơn khi ngày nay, ta nhìn thấy bộ trang phục này khá nhiều trên phim ảnh. Đây là trang phục có hai vạt áo song song với nhau, được gọi đó là đối khâm. Người ta sẽ mặc buông thõng xuống. Hoặc dùng để làm áo khoác bên ngoài. Áo được xẻ tà hai bên, dài đến chân váy của người mặc. Chúng ta có thể nhìn thấy được những lớp áo từ bên trong. Thường áo đối khâm sẽ được phối theo một bảng màu nhất định. Mà ở đó là màu sắc nổi, sặc sỡ sẽ mặc bên ngoài. Tiếp theo đó là các màu nhạt hơn. Và trong cùng là áo trắng.
Áo giao lĩnh phổ biến vào thời Lý – Trần – Lê
Loại áo này còn có tên gọi khác là trường lĩnh tràng vạt hay đối lĩnh. Được mặc phổ biến vào thời Lý – Trần – Lê. Áo có phần cổ giao nhau ở trước ngực, vạt trái đè lên vạt phải khi mặc. Tay áo phổ biến là loại tay thụng và tay hẹp. Áo của nữ có nét khá giống với trang phục cổ truyền của Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng cái khác đặc trưng nhất là hai vạt váy trong và ngoài không bằng nhau, một trong những bản sắc của cổ phục Việt Nam.
Áo nhật bình thời nhà Nguyễn
Loại áo này cũng được thiết kế như áo đối khâm. Đây là áo thường triều của Hoàng Thái Hậu, Thái Hậu, Công chúa. Và cũng là áo đại triều của các Thượng phu nhân và Phu nhân. Nhật bình khá giống với áo phi phong của thời nhà Minh của Trung Quốc. Nhưng ở Việt Nam thì được biến tấu đi khá nhiều để phù hợp với phong tục. Áo nhật bình thường có màu xanh hoặc đỏ. Để tạo nên sự quý phái, sang trọng và hoàng gia. Với nhiều họa tiết như phượng, rồng và thêu bằng tay cực kỳ tinh xảo.
Áo tấc thời nhà Nguyễn
Bạn có hiểu nôm na là chiếc áo quan trọng dùng trong những dịp trọng đại. Đặc biệt là trong cưới hỏi. Áo tấc khá phổ biến ở thời nhà Nguyễn, không phân biệt tầng lớp. Nên mỗi người dân đều lựa chọn để mặc trong ngày trọng đại. Áo có tay dài và rộng từ 30-50 cm. Tà áo dài không quá đầu gối 10 cm. Áo tấc cho đến ngày nay vẫn có một số người sử dụng. Đặc biệt là trong các lễ ăn hỏi truyền thống hay bộ phim về nông thôn Việt.
Áo ngũ thân thời nhà Nguyễn
Vào năm 1744, chúa Nguyễn tiến hành cải cách trang phục ở Đàng Trong, mọi người phải mặc một kiểu áo mới. Và từ đó áo ngũ thân được ra đời. Loại áo này đơn giản hơn những kiểu cổ phục trước. Nó có cổ đứng, cài khuy bên phải, tay áo hẹp kết hợp với quần dài. Áo có 5 phần với 4 vạt chính và 1 vạt phụ, áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Ngũ thân có màu sắc nhã nhặn, không có diềm cổ hay diềm tay áo, mặc kèm với một chiếc áo lót trắng ở bên trong.
Sự quan tâm phát triển cổ phục và văn hóa Việt Nam hiện nay
Những bộ cổ phục Việt Nam đã làm nên một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và nét đẹp đấy vẫn còn được gìn giữ đến tận ngày hôm nay qua các phim ảnh, video về thời xưa. Những năm gần đây, cổ phục Việt nhận được sự quan tâm đông đảo của giới nghệ thuật. Các dự án phim cổ trang, từ điện ảnh như “Quỳnh hoa nhất dạ” tới truyền hình như “Phượng Khấu”, các MV ca nhạc như “Không thể cùng nhau suốt kiếp” (ca sỹ Hoà Minzy) hay Hết Thương Cạn Nhớ (Đức Phúc) và Anh Ơi Ở Lại (Chi Pu) nối đuôi nhau lên sóng đã gây được tiếng vang lớn thu hút sự chú ý đông đảo của khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Việc liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã khiến cổ phục Việt trở thành một trend mới được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều bạn trẻ đã không ngại đầu tư để có cho mình một bộ cổ phục mặc trong những dịp quan trong hay chụp những bộ ảnh cổ trang. Những cô gái Việt thướt tha trong bộ áo tấc đủ màu, áo Nhật Bình sang trọng, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc… đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày.