Tìm hiểu về chiếc “Nón lá bài thơ xứ Nghệ” nức danh một thời

Chiếc “Nón lá bài thơ xứ Nghệ” nức danh một thời

Chiếc nón lá là vật dụng gắn với cuộc đời tảo tần của bà, của mẹ, của chị em. Mang hình ảnh vừa mộc mạc, có vẻ mỏng manh, nhưng đầy duyên dáng. Nón đâu chỉ để che mưa, che nắng, nón lá còn mang cả tâm hồn, gửi trao yêu thương. Từ xưa đến nay, người ta vẫn luôn gắn hình ảnh “nón lá bài thơ” với xứ Huế mộc mạc.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng nguồn gốc nón quê đến từ mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió. Chúng đã từng là vật phẩm tôn quý dùng để tiến vua ngày xưa của xứ Nghệ. Hiện nay khi cuộc sống trở nên hiện đại, nghề làm nón không còn hiệu quả kinh tế như các nghề khác. Nhưng ở những làng quê nơi xứ Nghệ người ta vẫn duy trì cái nghề truyền thống này bởi đó cũng là một nét văn hóa đẹp của quê hương đất nước ta.

Chiếc nón lá là hình ảnh thân thuộc với những người phụ nữ Việt

Từ bao đời nay hình ảnh chiếc nón lá đã trở nên thân thuộc với những người phụ nữ Việt. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng chiếc nón vẫn luôn tồn tại bền bỉ tạo nên nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chiếc nón phổ biến tới mức ở vùng nào, miền nào cũng có.

Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, từ người nông dân đến các thiếu nữ nơi đô thị, từ các bà các mẹ đến các thiếu nữ tuổi đôi mươi đều sử dụng nón lá. Chiếc nón lá vừa mộc mạc, vừa mỏng manh, nhưng cũng đầy duyên dáng. Nó không chỉ để che nắng, che mưa mà còn mang cả tâm hồn Việt trong đó.

Chiếc nón lá
Từ bao đời nay hình ảnh chiếc nón lá đã trở nên thân thuộc với những người phụ nữ Việt

Đi từ rừng xuống biển, đâu đâu chẳng thấy bóng nón? Làm từ lá cọ, hay lá gồi, lá buông được vuốt, hơ cho phẳng, cộng với những thanh tre, nứa chuốt làm khung, uốn làm vòng… Thế là nhỏ xinh một bóng mát, chở che cho mẹ, cho chị ra ruộng, xuống chợ, lên rừng. Những chiếc nón lấp lóa dưới ruộng muối che nắng chói, những chiếc nón chạm nhau trên bến cá ban mai mỗi lúc thuyền về.

Những chiếc nón lao xao câu chuyện chợ chiều đong những niềm vui bé nhỏ, những chiếc nón ngả xuống phe phẩy quạt khi nghỉ chân, những chiếc nón nghiêng nghiêng che nụ cười thôn nữ khi biết thẹn thùng…

Nguồn gốc chiếc “nón lá xứ Nghệ” nức danh một thời

Những giai điệu da diết của bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ” nhanh chóng chinh phục rất nhiều người yêu âm nhạc. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho không ít người thắc mắc bởi lâu nay mọi người chỉ nghe nói “Nón bài thơ xứ Huế”, hoặc “nón Huế” chứ chưa nghe ai nói “Nón bài thơ xứ Nghệ” cả.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ người ta mới vỡ lẽ ra rằng thì ra ngày xưa nón Nghệ rất nổi tiếng và được xếp vào hàng vật phẩm tiến vua. Rồi nó được các cung tần mỹ nữ sử dụng, dần dà đã trở thành phổ biến ở Huế, rồi được gọi là “nón Huế”.

Thông tin này khiến cho người dân xứ Nghệ rất đỗi tự hào về quê hương mình. Bởi dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, rất nhiều làng nghề bị mai một rồi biến mất thì chiếc nón bài thơ xứ Nghệ vẫn luôn được duy trì cho đến ngày nay.

Nguồn gốc chiếc “nón lá xứ Nghệ” nức danh một thời
Ngày xưa nón Nghệ rất nổi tiếng và được xếp vào hàng vật phẩm tiến vua

Như vậy, bài hát mà bắt nguồn từ bài thơ; đã cho ta một thông tin thật hay về chính quê hương xứ Nghệ. Song hay thì hay thật, mà cũng lắm ngậm ngùi. Bao nhiêu làng nghề của ta, với những nghệ nhân có đôi tay tinh xảo đã dần… biến mất?

Bao nhiêu thức quà, đặc sản của quê hương… nổi tiếng là thế, rồi cũng nhòa nhạt vào muôn vạn thứ đời thường? May mà với nón, vẫn còn đó bài thơ, bài hát mà giữ lại một chút dư hương. May mà, với nón, vẫn còn đó những tảo tần hôm sớm của phụ nữ quê Nghệ khắp mọi miền.

Công đoạn làm nên chiếc nón khá cầu kỳ, tỉ mẩn

Chiếc nón quê trông đơn sơ như vậy; nhưng các công đoạn để làm nên nó cũng khá cầu kỳ, tỉ mẩn. Bởi một chiếc nón chất lượng là vừa phải có kiểu dáng đẹp vừa phải thật chắc chắn. Khi đội lên đầu mưa không thủng, nắng không xuyên. Những người thợ làm nón cũng phải thật kiên nhẫn; bởi làm nón mà sốt ruột thì sẽ khó hoàn thành.

Đầu tiên người ta phải biết cách chọn nguyên liệu làm nón. Đó phải là những chiếc lá dài, đẹp không bị rách nát. Sau đó vò lá trong cát phơi nắng cho đến khi chuyển sang màu trắng bạc. Tiếp đến là cho lá vào khuôn nón để là phẳng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận bởi nếu nóng quá; sẽ khiến lá bị cháy còn không đủ nhiệt độ thì lá sẽ bị sống.

Công đoạn làm nên chiếc nón khá cầu kỳ, tỉ mẩn
Chiếc nón quê trông đơn sơ như vậy nhưng các công đoạn để làm nên nó cũng khá cầu kỳ, tỉ mẩn

Công đoạn kế tiếp là làm khung, uốn vành. Những chiếc vành nón được làm bằng thân tre hoặc nứa. Chúng được người thợ chẻ, chuốt tròn thanh thoát, uốn thành vòng tròn to, nhỏ khác nhau, vành to nhất có đường kính 50 cm.

Tiếp đến người ta sẽ quay nón thành hình dáng. Đây là khâu khó nhất vì nó quyết định độ thẩm mỹ của chiếc nón… Sau khi hoàn thành nón được phết một lớp dầu thông mỏng; để tăng độ bóng bẩy và tránh bị mốc trong thời tiết ẩm ướt.

Ngoài ra, để làm đẹp thêm cho chiếc nón người ta còn ép vào đấy những bài thơ về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa hay những câu ca dao, tục ngữ… Vì vậy mà những chiếc nón này được gọi là “nón bài thơ”.

Xem thêm những bài viết cùng chuyên mục tại: Văn hóa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *